Tổng hợp các bài mẫu phân tích khát vọng của nhân vật hồn Trương Ba trong tác phẩm Hồn Trương Ba da hàng thịt của tác giả Lưu Quang Vũ một cách đầy đủ và chi tiết nhất sẽ giúp các bạn học sinh chuẩn bị kiến thức thật tốt cho mình trước các kì thi sắp tới. Hôm nay Top 10 Tìm Kiếm sẽ tổng hợp Top 5 mẫu phân tích khát vọng của nhân vật hồn Trương Ba chi tiết nhất. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu nhé!
Dàn ý phân tích khát vọng của nhân vật hồn Trương Ba
I. Mở bài
– Giới thiệu tác giả Lưu Quang Vũ và vở Kịch “Hồn Trương Ba da hàng thịt”
– Giới thiệu đoạn trích trong đề bài
– Giới thiệu vấn đề nghị luận: con người cần được sống là chính mình.
II. Thân bài
- Phân tích khát vọng của nhân vật Hồn Trương Ba:
– Khát vọng được thoát ra khỏi nghịch cảnh phải sống nhờ trong thân xác anh hàng thịt:
Thấm thía nỗi đau khổ và không chấp nhận tình trạng vênh lệch giữa hồn và xác. Các từ ngữ không thể tiếp tục, không thể được, không thể trong lời thoại của Trương Ba cho thấy thái độ kiên quyết, dứt khoát của nhân vật.
– Khát vọng được sống là chính mình:
- Muốn là mình một cách toàn vẹn; thể xác và linh hồn hòa hợp; bên trong và bên ngoài, suy nghĩ và hành động thống nhất.
- Mong muốn một cuộc sống có ý nghĩa, không chấp nhận sự dung tục, tầm thường:Ông chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống, nhưng sống như thế nào thì ông chẳng cần biết!
* Đánh giá:
– Khát vọng của Hồn Trương Ba đã cho ta thấy vẻ đẹp tâm hồn của con người trong cuộc đấu tranh chống lại sự dung tục, giả tạo; bảo vệ quyền được sống là chính mình; hướng đến sự hoàn thiện nhân cách.
– Khát vọng của Hồn Trương Ba được thể hiện sâu sắc nhờ ngôn ngữ kịch hấp dẫn, giàu sức khái quát và tính triết lí.
- Bày tỏ suy nghĩ của mình về vấn đề: con người cần được sống là chính mình.
– Sống là chính mình nghĩa là khi con người sống đúng với những giá trị bản thân, với những cảm xúc, khát vọng của chính mình, với đam mê và nhiệt huyết của bản thân.
– Con người cần được sống là chính mình bởi lẽ, cuộc đời con người là cả một hành trình dài. Và trên hành trình ấy, ta phải gặp biết bao hạng người, đối mặt với nhiều khó khăn, có lúc ta hạnh phúc, có lúc ta quỵ ngã. Nếu sống đúng, sống chân thật thì bản thân thì mọi người sẽ ở bên ta lúc mệt mỏi, chia sẻ với ta những niềm vui,nỗi buồn. Hơn nữa, cuộc đời thực khác với những thứ ảo ảnh, phù phiếm. không ai có thể diễn kịch cho bản thân trong vai diễn cuộc đời. Mỗi người có một tích cách khác nhau, nhu cầu khác nhau. Không thể áp đặt lối sống, phong cách của người này đối với người khác. Sống đích thực với bản thân khiến con người ta thoải mái hơn, tự nhiên và tự tin hơn.
– Trái ngược với sống đích thực, sống đúng với bản thân là cách sống giả tạo, sống hình thức. nghĩa là mỗi người tự tạo cho mình một lớp vỏ bọc giả dối để đánh lừa người khác, nhằm thõa mãn thú vui nhất thời của bản thân và hậu quả cuối cùng là người đó tự đào thải chính mình ra khỏi xã hội.
– Để con người được sống là chính mình, đối với mỗi sinh viên, mỗi bạn trẻ trong hành trang vào đời của mình phải trang bị những tri thức, kĩ năng để luôn chủ động, linh hoạt trước những biến thiên của cuộc sống, luôn giữ vững cá tính và phong cách của bản thân. Sống hoà nhập nhưng không hoà tan, sống theo cá tính , phong cách riêng nhưng không lập dị, khác thường, con người sẽ có được hạnh phúc thực sự.
III. Kết bài
– Đánh giá chung về giá trị tác phẩm
– Khẳng định quan niệm sống đúng đắn
Top 5 mẫu phân tích khát vọng của nhân vật hồn Trương Ba
Số 1: Phân tích khát vọng của nhân vật hồn Trương Ba
Bi kịch là gì mà khiến cho con người ta đau khổ? Là gì mà mỗi tác phẩm đặc sắc đều cố gắng đặt nhân vật mình vào nó để tôn lên những giá trị cao đẹp? Vâng xin thưa, bi kịch là một trạng thái tinh thần đau đớn của con người khi đứng trước nghịch cảnh trớ trêu mà bản thân không thể hóa giải được. Chính vì thế mà con người đã phải sống triền miên trong đau khổ và bế tắc. Số phận của nhân vật bi kịch thường được kết thúc bằng cái chết hoặc sự diệt vong của những giá trị quan trọng.
Lưu Quang Vũ với vai trò là nhà viết kịch xuất sắc nhất mọi thời đại đã làm nên một “Hồn Trương Ba, Da Hàng Thịt” đầy những đau thương. Bi kịch tinh thần của nhân vật Trương Ba là những đau đớn chất chồng khi phải đặt mình trong một nghịch cảnh trớ trêu “bên trong một đằng bên ngoài một nẻo”, càng khiến cho khát vọng được làm chính mình được đẩy lên tới đỉnh điểm thể hiện rõ trong cuộc trò chuyện với Đế Thích “(Sau một lát).. thì ông chẳng cần biết!”.
Lưu Quang Vũ là người nghệ sĩ đa tài. Ông đã từng sáng tác thơ nhưng được biết đến nhiều hơn với tư cách là nhà soạn kịch. “Hồn Trương Ba, Da Dàng Thịt” là vở kịch được viết từ năm 1981, đến năm 1984 thì ra mắt công chúng. Vở kịch này được viết dựa trên một cốt truyện dân gian, song đã có những thay đổi, thêm những tình tiết phát triển làm cho tầng ý nghĩa của câu chuyện càng sâu hơn. Cuộc đối thoại giữa hồn Trương Ba và Đế Thích thuộc cảnh VII và Đoạn kết của vở kịch, nó đóng vai trò giải quyết mâu thuẫn, thể hiện rõ khát vọng của nhân vật Hồn Trương Ba với mong muốn được sống làm chính mình.
Trương Ba vốn là một người nhân hậu, yêu thích công việc làm vườn, có một thú vui tao nhã và trí tuệ là chơi cờ với nước đi khoáng đạt. Có thể nói Trương Ba đã chết một cách vô lí, ai cũng biết cái chết của Trương Ba là do sự vô tâm và tắc trách của Nam Tào. Để sửa sai Nam Tào và Bắc Đẩu theo lời khuyên của Đế Thích cho Hồn Trương Ba nhập vào xác anh hàng thịt mới chết nhằm trả lại công bằng cho Trương Ba. Nếu như ở cốt truyện dân gian đây là một kết thúc có hậu thì ở tác phẩm của Lưu Quang Vũ đây lại là khởi nguồn của bi kịch.
Trương Ba bị đẩy vào một nghịch cảnh đầy vô lí – linh hồn của mình lại phải trú nhờ trong thể xác của kẻ khác. Do phải sống nhờ thể xác anh hàng thịt, hồn Trương Ba đành phải chiều theo một số nhu cầu hiển nhiên của xác thịt. Linh hồn nhân hậu, trong sạch, bản tính ngay thẳng của Trương Ba xưa kia, nay vì phải sống mượn, vá lắp, tạm bợ và lệ thuộc nên chẳng những đã không sai khiến được xác thịt thô phàm của anh hàng thịt mà trái lại còn bị cái xác thịt ấy điều khiển. Đáng sợ hơn, linh hồn Trương Ba dần dần bị nhiễm độc bởi cái tầm thường của xác thịt anh đồ tể.
Để từ đây, hồn Trương Ba phải đối mặt với bao nghịch cảnh xót xa, bị lý trưởng sách nhiễu, bản thân không nhận được sự thừa nhận của chính gia đình mình. Hồn Trương Ba đang ở trong tâm trạng vô cùng bức bối, đau khổ. Bức bối bởi không thể nào thoát ra khỏi cái thân xác mà hồn ghê tởm. Hồn đau khổ bởi mình không còn là mình nữa. Trương Ba bây giờ vụng về, thô lỗ, phũ phàng. Càng lúc Hồn Trương Ba càng rơi vào trạng thái đau khổ, tuyệt vọng. Tất cả những điều này khiến tâm hồn Trương Ba không thể chịu đựng được nữa và quyết định tìm cách đối thoại với Đế Thích.
Sau màn đối thoại với người thân, tức là khi mâu thuẫn bị đẩy đến đỉnh điểm. Bi kịch thứ nhất của Trương Ba chính là bi kịch sống, sống gửi, không được là chính mình. Nghịch cảnh trớ trêu, sự hoán đổi bất ngờ đã xáo trộn hiện thực. Ông kêu lên những lời kêu gào thống thiết: “Không! Không! Tôi không muốn sống như thế này mãi!”, Trương Ba đang độc thoại trước cảnh bế tắc. U uẩn không lối thoát của hiện tại. Thân xác kềnh càng, bản tính cục cằn thô lỗ của hàng thịt đang dần dần lấn át đi tâm hồn nhân hậu, thanh cao của chính ông. Rồi ông tự hỏi mình “Nhưng có thật là không còn cách nào khác?”. Câu hỏi của Trương Ba cho thầy một cuộc đấu tranh nội tâm đang diễn ra căng thẳng, dữ dội.
Tuy nhiên, rơi vào tấn bi kịch này, nhưng ông không dễ dàng cam chịu, buông xuôi mà có khát vọng vô cùng mãnh liệt. Khát vọng trước tiên bùng cháy lên là thoát ra khỏi nghịch cảnh phải sống nhờ trong thân xác anh hàng thịt. Trương Ba ý thức được tình cảnh trớ trêu khi sống mà bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo. Ông thấm thía nỗi đau khổ và dằn vặt khi bản thân dần có xu hướng tha hóa, gia đình đau khổ, không thể chấp nhận sự vênh lệch giữa hồn và xác. Chính vì vậy hồn Trương Ba quyết định tìm gặp Đế Thích để chấm dứt nỗi bi kịch sống nhờ, sống gửi này.
Khi gặp được Đế Thích, Trương Ba đã bày tỏ nguyện vọng: “Tôi không thể tiếp tục mang thân anh hàng thịt được nữa, không thể được!”. Lời thoại sử dụng hai lần phủ định “không thể” thể hiện khát vọng mãnh liệt được làm chính mình, ý chí sắt đá và lòng quyết tâm của Trương ba khi quyết định rời khỏi thân xác của anh hàng thịt.
Trước yêu cầu và lập luận của Trương Ba, Đế Thích tỏ thái độ ngạc nhiên, cảm thấy khó hiểu trước suy nghĩ kì lạ ấy: “Có gì không ổn đâu!”. Ngay sau đó hồn Trương Ba đã bày tỏ quan điểm sống của bản thân “Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được.”. Lời thoại này đã nói lên tấn bi kịch, sự trớ trêu trong Hồn Trương Ba, đó là sự mâu thuẫn giữa một tâm hồn đẹp với một thân xác thỗ lỗ, phàm phu tục tử, đó là trong ngoài bất nhất. Nếu bên trong là một tâm hồn cao khiết, một nhân cách cao đẹp thì bên ngoài lại là xác thịt thô tục, là những dục vọng và bản năng. Sự tha hóa của linh Hồn Trương Ba chính là do linh hồn đã nhượng bộ, đã tự bán mình, tự thỏa hiệp với nhu cầu bản năng.
Đây chính là sự dằn vặt, đau khổ, trăn trở của Trương Ba khi mà cả hai không thể hòa hợp bởi không thể có một tâm hồn thanh cao trong một thể xác phàm tục tội lỗi. Từ đó, Trương Ba đã nêu lên khát vọng chính đáng của mình “Tôi muốn được là tôi toàn vẹn”. “Toàn vẹn” là sự hài hòa của bên trong và bên ngoài, giữa tâm hồn và thể xác. Trương Ba muốn hồn mình phải được hợp nhất với xác của mình để được sống cho đúng nghĩa, phải có sự hòa hợp giữa bên trong và bên ngoài, giữa nội dung và hình thức, giữa thể xác và linh hồn.
Đối với Trương Ba, sống không chỉ là tồn tại, mà sống phải là chính mình, làm những điều mình mong muốn, trở lại là mình toàn vẹn khi xưa. Không thể có cuộc sống nào mà “hồn này xác kia” được. Cuộc sống không thuận theo lẽ tự nhiên, không thuận theo tạo hóa, sống mà không được là chính mình thì đó là một bi kịch nghiệt ngã.
Lời thoại này đã cho ta thấy rõ quan điểm, triết lí về nhân sinh của Lưu Quang Vũ. Ông cho rằng: Cuộc sống của con người là một thể thống nhất giữa hồn và xác. Hồn và xác phải hài hòa. Không thể có một tâm hồn thanh cao trong một thân xác phàm tục, tội lỗi. Khi con người bị chi phối hoàn toàn bởi những nhu cầu bản năng của thân xác, nghĩa là những nhu cầu vật chất chi phối hoàn toàn đời sổng tinh thần thì không thể có một tâm hồn thanh cao trong sáng được.
Nói như thế, ở đây Lưu Quang Vũ không phải phủ nhận hoàn toàn nhu cầu về đời sống vật chất, mà chỉ muốn trong cuộc sống chúng ta phải biết kết hợp hài hòa giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần. Nếu chúng ta chỉ quan tâm đến đời sống tinh thần mà không lo đến đời sống vật chất thì cuộc sống của chúng ta cũng chẳng mấy tốt đẹp, chúng ta sẽ sống trong ảo tưởng bằng vỏ đẹp siêu hình của tâm hồn. Vì vậy chúng ta đừng bao giờ để đời sống vật chất làm sa ngã đời sống tinh thần.
Trước mong muốn và nguyện vọng của Trương Ba, Đế Thích đã tìm cách khuyên bảo Hồn Trương Ba nên chấp nhận cuộc sống hiện tại bởi theo Đế Thích tất cả mọi người trên trời, dưới đất không ai toàn vẹn cả. Ngay cả Đế Thích và Ngọc Hoàng cũng không được sống là chính mình. Hơn thế nữa, Trương Ba đã bị gạch tên khỏi sổ Nam Tào, thân thể thật cũng đã tan rữa trong bùn đất bởi vậy không thể trở lại như xưa.
Đế Thích cho rằng tất cả mọi người đều đang sống trong hoàn cảnh trong ngoài bất nhất, nên hãy chấp nhận, học cách thỏa hiệp với hiện tại. Những dẫn chứng mà Đế Thích đưa ra thể hiện một quan điểm: Sống là tồn tại, còn tồn tại như thế nào thì là do hoàn cảnh, điều kiện xung quanh; con người không thể thay đổi hoàn cảnh mà chỉ có thể quy thuận dù là điều mình không mong muốn.
Trương Ba đưa ra sự so sánh đồ đạc, vật chất và bản thân “Sống nhờ vào đồ đạc, của cải của người khác, đã là chuyện không nên, đằng này cái thân tôi cũng phải sống nhờ anh hàng thịt”. Đồ đạc, của cải vật chất mượn của người khác đã là chuyện không nên. Là con người, không nên sống nhờ, sống gửi, sống ký sinh vào thân xác của kẻ khác. Trương Ba thẳng thắn phê phán những quan điểm sai lần của Đế Thích “Ông chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống, nhưng sống như thế nào thì ông chẳng cần biết!”.
Lời thoại đã chỉ trích quan niệm sai lầm của Đế Thích bởi suy nghĩ đơn giản về cuộc sống. Với Đế Thích, sống là tồn tại còn tồn tại như thế nào thì không cần biết. Với Trương Ba, sống không chỉ là sự tồn tại sinh học mà sự tồn tại ấy còn phải là sự tồn tại có ý nghĩa, là thuận theo bản năng và hoàn cảnh mà đó phải là cuộc sống có nghĩa, sống là mình, là sự vượt lên những vui thích tầm thường để bảo vệ những giá trị cốt lõi của linh hồn cao đẹp.
Qua những lời thoại trên của Hồn Trương Ba với Đế Thích đã bộc lộ quan điểm rất đúng đắn của Lưu Quang Vũ về cuộc sống. Đó cũng chính là sự suy ngẫm về nhân sinh, về hạnh phúc, là sự phê phán một số mặt tiêu cực trong lối sống của một số người trong xã hội đương thời của Lưu Quang Vũ.
Thực tế trong cuộc sống hôm nay không ít những con người sống nhờ vào thân thể, uy quyền của kẻ khác, sống bằng luồn cúi, nịnh bợ để được thăng quan tiến chức, sống bằng đồng tiền không phải do năng lực của mình làm ra mà đó là những đồng tiền từ mồ hôi, nước mắt, xương máu của nhân dân, của đồng chí, đồng đội, làm băng hoại cuộc sống xã hội. Sống như thế là một cuộc sống thật xấu xa, đê tiện, đáng lên án và phỉ nhổ. Lưu Quang Vũ đã thể hiện nỗi băn khoăn, trăn trở của mình về điều này qua những khổ đau, trăn trở của Hồn Trương Ba khi phải sống nhờ vào xác anh hàng thịt. Chính điều này đã lay động trái tim người đọc và người xem vở kịch này.

Số 2: Khát vọng của Trương Ba
Nhận thức về hoàn cảnh éo le của mình khi phải sống nhờ trong thân xác của người hàng thịt, nhân vật Trương Ba trong đoạn trích “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” đã đau đớn thốt lên rằng: “Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn”. Câu nói của Trương Ba không chỉ góp phần thể hiện tư tưởng nhân sinh của vở kịch mà còn gợi bao suy ngẫm sâu sắc cho độc giả khi soi chiếu vào trong chính cuộc sống của mình.
“Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn” là câu nói của Hồn Trương Ba với Tiên cờ Đế Thích. Câu nói thể hiện quan niệm sống của Trương Ba được rút ra từ chính bi kịch sống nhờ cái xác của người hàng thịt.
Câu nói của Trương Ba đã thể hiện khát vọng được giải thoát khỏi thực cảnh hiện tại, mong muốn được sống là chính mình mà không phải cuộc sống bị đổi thay, xáo trộn trước sự chi phối, điều khiển của cái xác nữa. Cũng trong cuộc đối thoại với Đế Thích, Trương ba đã kiên quyết từ chối cơ hội được sống nhưng không được là mình, dù là nhập hồn vào xác người hàng thịt thô tục, tàn nhẫn hay cu Tị ngây thơ, trong sáng thì cũng chỉ là lấy bi kịch này thay thế cho bi kịch khác, Trương Ba vẫn không được sống là mình. Trương Ba từ chối cơ hội được sống quý giá để được sống là mình trọn vẹn, để không phải “sống bên ngoài một đằng, bên trong một nẻo” nữa.
Câu nói của Trương Ba không chỉ góp phần phát triển kịch tính của câu chuyện, bộc lộ những giằng xé, đau đớn cũng như những phẩm chất cao đẹp của nhân vật Trương Ba mà câu nói còn thể hiện được những triết lý sâu sắc trong cuộc sống con người. Trong sự đa diện, phức tạp của cuộc sống, con người bị hoàn cảnh xoay vần nhưng con người không thể chấp nhận cuộc sống tạm bợ, bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo.
Con người là thực thể thống nhất giữa phần hồn và phần xác, do đó không thể có một tâm hồn thanh cao, thanh sạch trong một thân xác phàm tục, tội lỗi. Để sống trọn vẹn là một con người đúng nghĩa quả thực không hề đơn giản.
Khi con người chấp nhận sống nương nhờ, chắp vá không toàn vẹn, không được sống là mình thì cuộc sống vẫn tiếp diễn, chúng ta có thêm cơ hội để sống thế nhưng cuộc sống ấy cũng thật vô nghĩa. Trong xã hội hiện đại, vẫn còn rất nhiều những người tự đưa mình vào bi kịch, đó là những con người sống giả dối, hèn nhát, không dám sống là chính bản thân mình hay bị tha hóa, biến chất chỉ vì danh và lợi.
Trong vở kịch, sau khi trải qua bao cay đắng khi sống nương nhờ, Trương Ba đã nhận ra bi kịch của bản thân để từ đó kiên quyết từ bỏ cuộc sống không phải của mình. Trương Ba không chấp nhận thỏa hiệp để tiếp tục được sống nhưng cũng đồng nghĩa kéo dài bi kịch không phải vì mình. Lời nói và hành động của Trương Ba đã thể hiện bản lĩnh và vẻ đẹp phẩm chất của nhân vật khi sẵn sàng đón nhận cái chết còn hơn sống trong sự dày vò của lương tâm và sự ghẻ lạnh, thất vọng của những người thân yêu vì sự thay đổi của chính mình.
Qua câu nói của nhân vật Trương Ba, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đã thể hiện được cái nhìn sâu sắc khi phát hiện được bi kịch bên trong con người hiện đại: đó là thực trạng con người sống vội, sống gấp, sống thực dụng mà vô tình đánh mất chính mình.
Số 3: Khát vọng của hồn Trương Ba
Kịch là một thể loại văn học đặc sắc của văn học Việt Nam. Nhắc đến tác phẩm kịch tiêu biểu Việt Nam, không thể không nhắc tới “Hồn Trương Ba Da Hàng Thịt” của Lưu Quang Vũ – một trong những nhà soạn kịch tài năng nhất của nền văn học dân tộc. Đoạn kịch “Hồn Trương Ba Da Hàng Thịt” đã để lại trong lòng độc giả nhiều suy tư về bi kịch và khát vọng được sống là chính mình của nhân vật Hồn Trương Ba.
Điểm nổi bật gây nhiều ám ảnh đầu tiên trong đoạn kịch là bi kịch của Trương Ba. Chuỗi bi kịch khởi đầu ở cái chết oan uổng của Trương Ba do sự tắc trách của quan trời. Trương Ba là ông lão gần sáu mươi, thích trồng vườn, giỏi đánh cờ, hiền lành, yêu thương vợ con và tâm hồn trong sạch. Chỉ vì Nam Tào vội đi dự tiệc nên đã bắt chết nhầm. Đang sống cuộc sống êm ấm với gia đình lại đột ngột chết đi, đây là một bi kịch đau lòng.
Theo lời khuyên của “tiên cờ Đế Thích”, Nam Tào, Bắc Đẩu “sửa sai”, muốn trả lại công bằng cho Trương Ba bằng cách cho Trương Ba sống lại. Không phải sống hoàn toàn mà là hồn được tiếp tục sống trong thân xác của một người khác – anh hàng thịt mới chết gần nhà. Chính sự thay đổi này đã đẩy Trương Ba vào chuỗi bi kịch đầy đau khổ, dằn vặt. Con người vốn là tổng thể thống nhất giữa linh hồn và xác thịt, thế nhưng Trương Ba lại được sống mà không được là chính mình trọn vẹn.
Bời vì sống nhờ trong thân xác của người khác, ông rơi vào bi kịch bị tha hóa về nhân cách. Trước kia, Trương Ba là ông lão làm vườn chăm chỉ, khéo léo, luôn quan tâm vợ con, chăm lo cho các cháu, hòa thuận giúp đỡ xóm làng. Trong mắt những người thân yêu, ông là người chồng, người cha, người ông mẫu mực, đáng kính. Còn hiện tại, từ khi linh hồn sống lại trong thân xác của anh hàng thịt, ông trở nên thô lỗ, phàm phu. Xác thịt kia dù âm u, đui mù nhưng vẫn có sức mạnh riêng.
Có lúc linh hồn nhân hậu, trong sạch phải thỏa hiệp với những đòi hỏi bản năng của xác. Đáng sợ hơn, linh hồn trong sạch ấy còn dần bị nhiễm độc bởi xác thị tầm thường của người đồ tể. Chính Trương Ba cũng nhận ra sự thay đổi của chính mình dù cố gắng phủ nhận: “Không! Ta vẫn có một đời sống riêng, nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn…”. Song cuối cùng vẫn phải ngầm thừa nhận mình đang dần đánh mất bản thân: “Mày đã thắng thế rồi đấy, cái thân xác không phải của ta ạ, mày đã tìm được đủ mọi cách để lấn át ta.”
Không những dằn vặt bởi nhân cách dần biến chất, Trương Ba còn phải đối mặt với bi kịch không được chính gia đình của mình thừa nhận. Trở về trong thân xác một người đàn ông xa lạ, vợ ông vô cùng đau khổ, muốn tìm cách tránh mặt và định bỏ đi. Con trai hư hỏng, cô cháu gái vốn vô cùng yêu thương ông lại tỏ thái độ thù ghét, xua đuổi quyết liệt “Ông xấu lắm, ác lắm! Cút đi! Lão đồ tể, cút đi!”.
Con dâu là người duy nhất cảm thông với ông, nhưng “…làm sao giữ được thầy ở lại, hiền hậu, vui vẻ, tốt lành như thầy của chúng con xưa kia? Làm thế nào, thầy ơi?”. Không ai chia sẻ, không ai thấu hiểu cho bi kịch cuộc đời ông. Hồn Trương Ba trong da anh hàng thịt còn vô tình gây nên những xáo trộn, bất an trong gia đình, khiến những người thân đau khổ theo. Trong gia đình của chính mình, ông trở nên cô đơn, lẻ loi.
Tuy nhiên, rơi vào tấn bi kịch này, Trương Ba không dễ dàng cam chịu, buông xuôi mà có khát vọng vô cùng mãnh liệt. Khát vọng trước tiên bùng cháy lên là thoát ra khỏi nghịch cảnh phải sống nhờ trong thân xác anh hàng thịt. Trương Ba ý thức được tình cảnh trớ trêu khi sống mà bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo. Ông thấm thía nỗi đau khổ và dằn vặt khi bản thân dần có xu hướng tha hóa, gia đình đau khổ, không thể chấp nhận sự vênh lệch giữa hồn và xác. Thái độ kiên quyết, dứt khoát của ông được nhấn mạnh qua một loạt các từ ngữ: không thể tiếp tục, không thể được, không thể trong lời thoại của mình.
Khát vọng mạnh mẽ nhất thiêu đốt trái tim người có tâm hồn trong sáng là khát vọng được sống là chính mình. Trương Ba muốn là mình một cách toàn vẹn, muốn là một chỉnh thể thể xác và linh hồn hòa hợp, vẻ bên trong và bên ngoài, suy nghĩ và hành động thống nhất với nhau. Trương Ba khát vọng sống, nhưng là một cuộc sống có ý nghĩa, không trộn lẫn sự dung tục, tầm thường.
Khát vọng của ông được thể hiện rõ nét trong cuộc tranh cãi giữa linh hồn và thể xác. Đây là cuộc đấu tranh gay gắt giữa hai mặt của con người. Một bên là tiếng nói bản năng của thể xác, một bên là tiếng nói lý trí của linh hồn thanh cao, trong sạch, thể hiện khát vọng hướng thiện và khát vọng vượt lên những mong muốn tầm thường, u ám.
Không muốn tiếp tục cuộc sống nương nhờ, bị chi phối bởi xác người hàng thịt, Trương Ba dằn vặt và quyết định chống lại bằng cách tách ra khỏi xác thịt. Ông trả lại xác cho anh hàng thịt, lựa chọn cái chết thực sự để linh hồn được trong sạch, hóa thân vào các sự vật thân thương, tồn tại vĩnh viễn bên cạnh những người thân yêu của mình. Cái chết ấy là chi tiết đắt giá nhất bộc lộ khát vọng sống tốt đẹp của Trương Ba.
Có thể nói, Lưu Quang Vũ đã xây dựng thành cồn tình huống kịch đầy căng thẳng, đưa vở kịch đạt đến cao trào rồi giải quyết mâu thuẫn một cách logic, hợp lí. Những màn đối thoại, độc thoại được sáng tạo sắc nét không những giúp nhân vật bộc bạch suy nghĩ, tính cách mà còn giúp người đọc hiểu được những suy ngẫm, triết lý sâu sắc được gửi gắm.
Đặc biệt, tác giả khéo léo kết hợp giữa những vấn đề thời sự và vấn đề muôn thuở như lối sống giả dối, giữa những dục vọng u ám thấp hèn với những khát khao cao cả, tốt đẹp. Qua đó tái hiện rõ nét bi kịch và nâng niu khát vọng thanh cao của nhân vật. Đồng thời gửi gắm thông điệp nhân sinh ý nghĩa: vật chất và tinh thần trong đời sống con người cần hài hòa song song, không nên kì thị những đòi hỏi vật chất tầm thường, tôn trọng quyền tự do cá nhân, sống là chính mình nhưng cũng phải cố gắng trở nên tốt đẹp hơn.
Với những giá trị về nội dung và nghệ thuật ấy, đoạn kịch Hồn Trương Ba Da Hàng Thịt xứng đáng là tác phẩm kịch xuất sắc của văn học Việt Nam. Để rồi rất nhiều năm tháng qua đi, những giá trị nhân văn sâu sắc của tác phẩm vẫn làm rung động bao trái tim độc giả.

Số 4: Phân tích khát vọng của nhân vật hồn Trương Ba
Lưu Quang Vũ là người có tài về nhiều mặt như: viết văn, hay làm thơ, và vẽ tranh…nhưng ông được xem là một trong những nhà soạn kịch tài năng nhất của nền văn học Việt nam. Những vở kịch của ông đã làm xôn xao các dư luận và được đón nhận nồng nhiệt của khán giả. Phần lớn các vở kịch của ông đều được các đoàn nghệ thuật dàn dựng, trong đó vở kịch Hồn Trương Ba da hàng thịt là đặc sắc nhất của Lưu Quang Vũ.
Tác phẩm đã thể hiện một quan niệm: Giữa hồn và xác phải có một sự tương hợp hài hòa với nhau, thế nhưng ở đây lại có sự khập khiễng không thể hòa hợp được. Đặc biệt là hồn của một người thanh cao, trong sáng, và rất trung thực phải sống trong xác của một kẻ tầm thường, phàm tục, và đầy bản năng, thô lỗ. Vì vậy từ chỗ thanh cao đến chỗ có những ham muốn tầm thường, thì nhan đề đã thâu tóm những mâu thuẫn xác định ngay trong một con người.
Tính bi kịch của Trương Ba: ông đã chết một cách vô cớ vì sự thiếu trách nhiệm của tiên thánh, và tiên thánh sẽ sửa sai thì nó càng tệ hơn. Thế nên tính bi kịch xảy ra từ khi Trương Ba được sống lại. Và sống trong cái xác của anh hàng thịt, Trương Ba thấy mình bị tha hóa: hồn trong sạch ngay thẳng đang bị cái thể xác thô lỗ, ranh mãnh, chế nhạo, và cám dỗ. Có lúc hồn phải thỏa hiệp với những đòi hỏi bản năng của xác. Đây cũng là nỗi đau khổ của con người khi phải sống trong hoàn cảnh không phù hợp với mong ước của chính mình.
Vì vậy tính bi kịch của Trương Ba không chỉ là bi kịch của cá nhân mà còn là bi kịch gia đình. Quay lại với thể xác, còn hồn Trương Ba phải đối diện với một xung đột khác đó là bi kịch không được thừa nhận. còn người vợ hiền thục rất đau khổ, muốn tìm cách tránh mặt và định bỏ đi. Con trai thì hư hỏng, còn cháu nội thì tỏ thái độ thù ghét muốn đuổi ông đi. Và chỉ có đứa con dâu là người cảm thông với ông “…làm sao giữ được thầy ở lại, hiền hậu, vui vẻ, tốt lành như thầy của chúng con xưa kia? Làm thế nào, thầy ơi?”. Thế là Trương Ba đã rơi vào cái khổ của việc không được chia sẻ và thấu hiểu.
Và chính ông đã gây ra những xáo trộn, bất an trong gia đình, và làm cho gia đình lại khổ lây vì sự nhũng nhiễu của lí tưởng. Như vậy, Trương Ba đã rơi vào tình thế cô đơn ngay tại nhà mình. Và Trương Ba đã ý thức được nỗi khổ này của vợ con lớn hơn cả nỗi khổ khi chôn ông xuống đất, và ông cảm thấy mình có lỗi với gia đình. Chính vì điều đó cho ta thấy Trương Ba là một con người rất vị tha.
Ngoài ra tính bi kịch của Trương Ba là ở chỗ mình không phải là mình. Khổ vì bị sự trói buộc có tính định mệnh của phần xác đối với phần hồn và đây là nỗi đau khổ tột cùng của Trương Ba. Vì vậy để thể hiện điều này, Lưu Quang Vũ đã tạo ra một cuộc đấu trí đầy trí tuệ giữa linh hồn và thể xác. Còn tiếng nói của xác là tiếng nói của bản năng, và tiếng nói của Trương Ba là tiếng nói của con người thanh cao, trong sạch, tự ý thức. Đó là cuộc đấu tranh gay gắt giữa hai mặt tồn tại của con người, và nó được thể hiện sự khát vọng hướng thiện và tầm quan trọng của việc tự ý thức về bản thân và vượt lên chính mình.
Còn anh hàng thịt cũng không kém phần khôn ngoan, lí lẽ cũng có phần đúng đắn: Những vị lắm chữ nhiều sách như các ông là hay vin vào cớ tâm hồn là quý, khuyên con người sống vì phần hồn, và để rồi bỏ bê cho thân xác của họ nỗi khổ sở nhếch nhác…. Ý muốn nói lên con người phải có khát vọng sống thanh cao nhưng cũng không thể tách hồn khỏi vật chất đời thường, cũng như những nhu cầu rất chính đáng của con người. Rồi hồn Trương Ba phải thỏa hiệp và nhập vào xác anh hàng thịt. Bởi vì những lí lẽ vừa khó chịu vừa chứa đựng một phần chân lý. Vì vậy màn đối thoại vừa có tính chất hài kịch lại vừa có tính bi kịch và tính bi kịch này có sự mâu thuẫn giữa khát vọng và khả năng.
Hồn Trương Ba ý thức được nghịch cảnh mình nên sự đau đớn day dứt cùng với sự tác động từ bên ngoài như: lý trưởng, gia đình nên Trương Ba phải gặp Đế Thích để giải quyết vấn đề này. Màn đối thoại giữa Trương Ba và Đế Thích cũng rất đặc sắc. Ngôn ngữ của Đế Thích là ngôn ngữ dụ dỗ thuyết phục: lí lẽ không ngoan có vẻ có lý, nâng cao giá trị của Trương Ba, bôi bác sự giả dối có trên thiên đình. Tiên thánh cũng không được sống theo những gì mình nghĩ ở bên trong, đến Ngọc Hoàng cũng phải ép mình cho xứng danh Ngọc Hoàng. Trên trời, dưới đất người ta đều thế cả. Đế Thích sửa sai lại càng thêm sai. Trương Ba đã bác bỏ một cách cương quyết: “Thần có thể chấp nhận một cuộc sống như thế chứ con người thì không” và khăng khăng đòi chết, không chịu nhập vào cái xác của ai nữa.
Bi kịch của ông bắt đầu từ khi ông được sống lại trong cái xác của anh hàng thịt. Như vậy, là con người ai cũng muốn là chính mình mà không muốn sống tạm bợ, chắp vá vào ai đó. Và Trương Ba đã ý thức được vấn đề là sống như thế nào chứ không phải chỉ được sống là đủ. chính vì thế Trương Ba đã dũng cảm chấp nhận cái chết để bảo vệ chân lí, bảo vệ nhân cách, bảo vệ các giá trị nhân sinh và dù có chết cũng là cái chết bất tử. Dù là nghịch lý nhưng đó là con đường phục hưng những giá trị nhân văn. Đó là cuộc thắng lợi của cuộc tranh chấp muôn thuở giữa cái thánh thiện và cái phàm tục. Trương Ba đã chiến thắng được mình và còn chủ động phê phán khuyên bảo Đế Thích.
Đó là chuyện phi thường, một ông tiên phải đuối lý trước con người. Cuối cùng ông cũng phải thốt lên một câu như vỡ lẽ ra một điều mới: “con người dưới hạ giới các ông thật là kì lạ”. Hóa ra các lực lượng siêu nhiên, thần thánh tuy có thể quyết định được việc sống chết của con người nhưng không thể can thiệp vào sự tự do của con người được. Và Lưu Quang Vũ đã thể hiện được niềm tin sâu sắc vào con người vào khả năng vươn lên mọi thực tế nghiệt ngã trong cuộc sống của họ.
Tóm lại những bi kịch của Trương Ba mà nhà văn Lưu Quang Vũ muốn gửi đến người đọc những thông điệp: Con người cần phải sống hài hòa giữa hai mặt vật chất và tinh thần. và không nên kì thị những đòi hỏi vật chất của con người, mà cần tôn trọng quyền tự do cá nhân, giúp mỗi người phải được là mình, sống đúng với chính mình. Và phải sửa chữa những sai lầm để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn.
Số 5: Khát vọng của Trương Ba
Trong làng kịch nói Việt Nam, có lẽ ai cũng biết đến Lưu Quang Vũ – một hiện tượng đặc biệt của sân khấu kịch trường những năm tám mươi của thế kỉ XX. Tuy có tài ở nhiều lĩnh vực như viết truyện ngắn, soạn kịch, làm thơ, vẽ tranh… nhưng ông được xem là một trong những nhà soạn kịch tài năng nhất của nền văn học nghệ thuật Việt nam hiện đại. Trong các vở kịch của Lưu Quang Vũ, đáng chú ý nhất là vở “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”. Bằng nghệ thuật xây dựng nội tâm độc đáo, cảnh VII, đoạn cuối vở kịch đem đến cho người đọc nhiều vấn đề tư tưởng sâu sắc qua nhân vật Trương Ba trong thân xác anh hàng thịt.
Hồn Trương Ba, da hàng thịt là vở kịch được Lưu Quang Vũ viết năm 1981, công diễn lần đầu tiên năm 1984, sau đó được diễn lại nhiều lần trong và ngoài nước. Từ cốt truyện dân gian, Lưu Quang Vũ đã xây dựng lại thành một vở kịch nói hiện đại và lồng vào đó nhiều triết lí nhân văn về cuộc đời và con người. Trong tác phẩm, Trương Ba là một ông lão gần sáu mươi, thích trồng vườn, yêu cái đẹp, tâm hồn thanh nhã, giỏi đánh cờ. Chỉ vì sự tắc trách của Nam Tào gạch nhầm tên mà Trương Ba chết oan.
Theo lời khuyên của “tiên cờ” Đế Thích, Nam Tào, Bắc Đẩu “sửa sai” bằng cách cho hồn Trương Ba được tiếp tục sống trong thân xác của anh hàng thịt mới chết gần nhà. Nhưng điều đó lại đưa Trương Ba và một nghịch cảnh khi linh hồn mình phải trú nhờ vào người khác. Do phải sống tạm bợ, lệ thuộc, Trương Ba dần bị xác hàng thịt làm mất đi bản chất trong sạch, ngay thẳng của mình. Ý thức được điều đó, Trương Ba dằn vặt, đau khổ và quyết định chống lại bằng cách tách ra khỏi xác thịt. Qua các cuộc đối thoại của Trương Ba, tác giả dần tạo nên một mạch truyện dẫn dắt người xem hiểu sâu hơn về Trương Ba
Trương Ba trả lại xác cho anh hàng thịt, chấp nhận cái chết để linh hồn được trong sạch và hoá thân vào các sự vật thân thương, tồn tại vĩnh viễn bên cạnh những người thân yêu của mình. Cuộc sống lại tuần hoàn theo quy luật của muôn đời. Màn kết với chất thơ sâu lắng đã đem lại âm hưởng thanh thoát cho một bi kịch lạc quan đồng thời truyền đi thông điệp về sự chiến thăng của cái Thiện, cái Đẹp và của sự sống đích thực.
Không chí có ý nghĩa triết lí về nhân sinh, về hạnh phúc con người, rong vở kịch nói chung và đoạn kết nói riêng, Lưu Quang Vũ muốn góp phần phê phán một số biểu hiện tiêu cực trong lối sống lúc bấy giờ: Thứ nhất, con người đang có nguy cơ chạy theo những ham muốn tầm thường về vật chất, chỉ thích hưởng thụ đến nỗi trở nên phàm phu, thô thiển. Thứ hai, lấy cớ tâm hồn là quý, đời sống tinh thần là đáng trọng mà chẳng chăm lo thích đáng đến sinh hoạt vật chất, không phấn đấu vì hạnh phúc toàn vẹn. Cả hai quan niệm, cách sống trên đều cực đoan, đáng phê phán.
Ngoài ra , vở kịch còn đề cập đến một vấn đề cũng không kém phần bức xúc, đó là tình trạng con người phải sống giả, không dám và cũng không được sống là bản thân mình. Đấy là nguy cơ đẩy con người đến chỗ bị tha hóa do danh và lợi. Với tất cả những ý nghĩa đó, đoạn trích rất tiêu biểu cho phong cách viết kịch của Lưu Quang Vũ.

Tổng kết
Trên đây là tổng hợp đầy đủ Top 5 mẫu phân tích khát vọng của nhân vật hồn Trương Ba chi tiết nhất đến các bạn học sinh chuẩn bị cho các kì thi. Top 10 Tìm Kiếm hy vọng đã mang đến bài viết bổ ích, giúp cũng cố kiến thức cho các bạn học sinh lớp 12.